[Khám phá] Liệu di động có giết chết nền tảng web?

Chia sẻ qua:

Khi ứng dụng di động bùng nổ trong vài năm nay, rất nhiều người đã đặt câu hỏi: liệu sự phát triển vượt bậc này có ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, đặc biệt là nền tảng web?

Với việc điện toán đám mây trở nên quen thuộc mấy năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự trưởng thành nhanh chóng của nền tảng web. Nếu như trong thời kỳ bong bóng dotcom, web được biết đến là nơi cung cấp thông tin, thì ngày nay hầu hết các phần mềm phổ biến đều có phiên bản web. Những ứng dụng web đồ sộ, như Office 365 của Microsoft hay Autocad 360 của Autodesk, đã cho thấy rằng nền tảng web có thể hoàn toàn thay thế các phần mềm cài đặt.

Hệ quả của sự phát triển này là hệ điều hành dần trở nên ít quan trọng. Thói quen sử dụng phần mềm cũng theo đó mà thay đổi. Thay vì giao tiếp qua Yahoo, bạn truy cập Facebook. Cần soạn thảo văn bản, bạn mở Google Docs. Vậy thì có nhất thiết cần dùng Windows với chi phí bản quyền đắt đỏ, hay chỉ cần bất kỳ hệ điều hành nào có trình duyệt cũng được? Chính vì nguyên nhân này nên Microsoft cuối những năm 1990 đã tìm mọi cách để "triệt" Netscape, kìm hãm sự phát triển của web thông qua trình duyệt nhiều lỗi IE6. Nhưng nền tảng web đã chứng minh một thực tế rằng không ai có thể kiểm soát một chuẩn mở. Lần lượt các trình duyệt tốt hơn IE đã ra đời, như Opera, Firefox, Chrome, giúp người dùng sử dụng ứng dụng web một cách dễ dàng hơn. Thế giới được giải phóng khỏi sự độc tôn của Microsoft.

Phần mềm web và ứng dụng trên di động.
Phần mềm web và ứng dụng trên di động.

Khi cả thế giới đang say mê với sự tiện dụng của phần mềm web thì một trào lưu mới lại xuất hiện: di động. Về bản chất, ứng dụng di động cũng giống như ứng dụng cài đặt máy tính. Nhà phát triển ứng dụng cũng phải tạo ra phiên bản cho từng hệ điều hành, còn người dùng cũng phải cài những ứng dụng này vào điện thoại. Vậy tại sao ứng dụng di động lại phát triển? Đơn giản vì điện thoại giờ đây đã trở thành vật bất ly thân của mỗi người, từ những nước phát triển cho tới những nước đang phát triển.
Câu hỏi đặt ra cho giới phần mềm là liệu di động có giết chết nền tảng web? Trên lý thuyết, chúng có thể tồn tại song song. Bất kỳ điện thoại thông minh nào cũng được trang bị trình duyệt tốt, và thông qua đó, người dùng có thể sử dụng phần mềm web. Bản thân một phần mềm web cũng có thể được đóng gói như một ứng dụng di động.

Nhưng thực tế có diễn ra như vậy không? Tháng 12, Facebook từ bỏ công nghệ web HTML5 để phát triển ứng dụng Facebook dành riêng cho Android. Mark Zuckerberg trong một cuộc phỏng vấn đã thú nhận rằng sai lầm lớn nhất của Facebook là theo đuổi quá lâu, và đặt kỳ vọng quá nhiều vào công nghệ web HTML5. Việc phát triển ứng dụng di động đang trở thành một công việc thời thượng. Tại Việt Nam, sau thành công của Flappy Bird, rất nhiều các bạn trẻ đã lựa chọn di động để phát triển sự nghiệp của mình.
Theo quan điểm của cá nhân người viết, nền tảng web và ứng dụng web sẽ không suy giảm vai trò, thậm chí còn phát triển mạnh hơn, với các lý do sau:

- Thứ nhất, khác với thời kỳ phần mềm cài đặt máy tính, ngày nay các hệ điều hành di động có mức thị phần cân bằng hơn nhiều. Thị phần này lại khác nhau rất nhiều ở mỗi nước. Ví dụ, trên toàn cầu Android có thị phần lên tới 81%,  nhưng tại Mỹ chỉ là 52%, còn iOS vẫn vững chắc ở mức 42% . Do vậy, các nhà phát triển phải đảm bảo có các phiên bản trên các hệ điều hành khác nhau. Đây là một việc vô cùng tốn kém.
- Thứ hai, công nghệ HTML5 đang ngày càng hoàn thiện và có hiệu năng cao. Ngày càng có nhiều công cụ cho phép đóng gói ứng dụng web thành di động với chất lượng tốt như PhoneGap, Sencha, Steroids… Sử dụng những công cụ này, nhà phát triển chỉ cần tập trung vào phát triển một phiên bản duy nhất, cho phép họ toàn tâm toàn ý hơn.
- Thứ ba, các công nghệ thiết kế web hiện đại cho phép một ứng dụng web được thể hiện tốt trên nền tảng di động, như giao diện tùy ứng (responsive design), giao diện một màn hình (single page app), hoạt động offline… Với những công nghệ này, trải nghiệm của ứng dụng web trên di động sẽ được tối ưu không khác gì ứng dụng di động.

Web và di động không được tư duy để "triệt tiêu" nhau. Mỗi nền tảng có ưu và nhược điểm riêng, và chúng sẽ cùng song hành để cung cấp những tiện ích nhất phục vụ đời sống con người.

Về người viết:

Người viết là trưởng nhóm phát triển phần mềm bán hàng Ki-ốt Việt (www.kiotviet.com), một phần mềm chạy hoàn toàn qua trình duyệt web. Phần mềm áp dụng những phương pháp và công nghệ tiên tiến, để cung cấp cho người dùng dịch vụ tốt. Mặc dù là phần mềm web, sản phẩm vẫn sử dụng được ngay cả khi không có kết nối mạng, nhờ vào dữ liệu được lưu lại tạm thời trên trình duyệt. Mặc dù mới được phát hành chính thức, Ki-ốt Việt nhận được sự tin tưởng từ hơn 1000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên khắp Việt Nam.

Chia sẻ qua:

kham pha

web di dong

Đăng phản hồi:

0 comments: